$ 0.00

Người Anh bị lừa mua USB 350USD vì sợ bị nhiễm bệnh từ mạng 5G

 


Nhiều người Anh đã chi ra một số tiền không hề nhỏ để mua USB 5GBioShield với mục đích chống lại sóng 5G, nhưng thực tế đây chỉ là một chiếc USB bình thường.

Một công ty có tên gọi BioShield Distribution đã rao bán 5GbioShield với lời quảng cáo rằng, người dùng chỉ cần cắm USB vào thiết bị điện tử, hay chỉ cần mang theo bên người là có thể được bảo vệ khỏi sóng 5G. Cụ thể, thiết bị này sẽ kích hoạt một lớp bảo vệ nano bao quanh có đường kính 8 - 40 mét để chống lại các loại sóng có hại cho sức khỏe con người, trong đó có sóng mạng di động 2G - 5G và wifi.


Quảng cáo về tác dụng thần kỳ 5GbioShield.

Chiếc USB ‘thần kỳ’ này còn có nhiều tính năng đặc biệt khác như phát ra một lượng lớn tần số sinh lực có lợi cho sự hồi phục cơ thể, ngăn chặn bức xạ điện, EMF (trường điện từ) phát ra từ thiết bị số, cân bằng và điều chỉnh lại các tần số nguy hiểm phát sinh từ điện thoại, máy tính bảng, laptop…

5GbioShield được rao bán với giá 283 bảng (350USD) mỗi chiếc, giá này sẽ giảm còn 795 bảng (980USD) nếu mua 3 chiếc, đắt hơn hàng trăm lần so với USB thông thường dù chất lượng chưa được kiểm chứng.

Thậm chí, Toby Hall, một thành viên thuộc Ủy ban Tư vấn công nghệ 5G của Hội đồng thị trấn Glastonbury, còn khuyến khích người dân mua thiết bị này. Vì vậy, có rất nhiều người dùng đã mua 5GbioShield.

Hai thành viên của công ty chuyên phân tích thiết bị điện tử tiêu dùng đã "phẫu thuật" chiếc USB để tìm hiểu xem nó có như quảng cáo không. Kết quả cho thấy, nội thất bên trong chiếc USB chỉ là một đèn LED gắn trên bảng mạch và một chip nhớ dung lượng 128 MB lỗi thời, không khác gì một chiếc USB thông thường.


Nội thất bên trong 5GbioShield không khác gì một USB thông thường giá 6USD. Ảnh: BBC.

Nói cách khác, 5GBioShield chỉ là một trò lừa đảo lợi dụng tâm lý lo sợ ảnh hưởng của mạng 5G để bán ra sản phẩm với giá đắt đỏ.

Trước đó, nhiều thuyết âm mưu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội tại Anh về việc mạng 5G tạo ra Covid-19. Không ít người Anh đã tin và tìm cách phá hoại các tháp viễn thông 5G. Đã có ít nhất 77 trạm 5G đã bị đốt hoặc phá hoại. Tại New Zealand, Hà Lan, Ireland cũng xảy ra sự việc tương tự.

Nguồn: quantrimang.com